Tin tức VAN PHUC GROUP

Nhà phố ở TPHCM đang tăng “phi mã” do nguồn cung khan hiếm

20/05/2019

Giá nhà phố tại nhiều khu vực ngoại thành TPHCM đã tăng “chóng mặt” lên tới khoảng 30%/năm. Thậm chí, một căn nhà phố xây sẵn có thể tăng đến 4 tỷ đồng sau hơn 1 năm.

Nhà tăng 4 tỷ đồng sau 1 năm

Trong vai một người đi mua bất động sản, chúng tôi đến một dự án nằm trên Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) để tìm nhà.

Nhân viên kinh doanh tên Bảo cho biết, dự án này đang mở bán 76 căn nhà phố. Tuy nhiên, đến nay thì chỉ còn 5 căn có diện tích từ 140m2 – 147m2 (7×20; 7×21). Những căn nhà phố này sẽ được xây dựng 1 tầng hầm và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn khoảng 550m2 – 600m2.

“Mấy căn này đều nằm trên mặt tiền đường 13m, bọn em sẽ giao thô và hoàn thiện mặt ngoài cho anh. Thời gian xây nhà kéo dài từ 12 – 15 tháng. Bọn em đang bán với giá hơn 16 tỷ đồng/căn”, Bảo nói.

Cũng theo tiết lộ của nhiều nhân viên kinh doanh tại dự án này, giá nhà phố của dự án đã tăng khoảng 30% trong vòng 1 năm qua. Đầu năm 2018, nếu một căn nhà phố rộng 140m2 được bán với giá 13 tỷ đồng thì đến tháng 5/2019, căn nhà này sẽ có giá khoảng 17 tỷ đồng, tức tăng đến 4 tỷ đồng.

Không chỉ trên địa bàn quận Thủ Đức mà giá nhà phố tại quận 2, quận 9, huyện Bình Chánh và nhiều quận, huyện khác tại TPHCM cũng tăng “chóng mặt”.

Đơn cử như tại huyện Bình Chánh, dù chỉ là một huyện “bình dân” ở thành phố nhưng những khu vực “vip” của địa phương này như Phạm Hùng, Nguyễn Văn Cừ, Quốc lộ 50 thì giá đất đều không dưới 100 triệu đồng/m2. Một căn nhà phố bình thường ở huyện cũng có giá hàng chục tỷ đồng.

Một số “cò” đất lâu năm chia sẻ, dù là các quận huyện vùng ven thành phố nhưng người mua và giới đầu tư vẫn có thể kiếm lời 2 – 3 tỷ đồng/căn sau 1 năm nếu căn nhà đó có diện tích “đẹp” từ 90m2 – 120m2 và toạ lạc trên những con đường kết nối thuận tiện.

Theo bà Nguyễn Thanh Hương, chuyên gia ngành bất động sản tại TPHCM thì mức tăng giá 30%/năm tại nhiều dự án bất động sản cũng là điều bình thường bởi mức tăng này phụ thuộc vào hạ tầng của khu vực và mức độ đầu tư các tiện ích của chủ đầu tư.

Những khách hàng có tiềm lực tài chính vẫn thích ở nhà phố hơn là ở căn hộ. Ngoài ra, quỹ đất xây nhà phố tại khu vực nội đô TPHCM đã cạn kiệt dẫn đến việc khách hàng có xu hướng chuyển ra khu vực lân cận để tìm nhà phố với không gian sống thoải mái hơn.

“Một dự án bất động sản chỉ có cây xanh, đường sá to đẹp thì giá tăng sẽ khó có thể mà nhanh hơn một dự án có thêm công viên, trường học, bệnh viện ngay bên trong khuôn viên dự án. Đây chính là mức độ đầu tư của chủ đầu tư dự án. Mức độ đầu tư tốt thì biên độ tăng giá cũng sẽ tốt hơn”, bà Hương phân tích.

Nhà phố “hot” vì nguồn cung hiếm

Ông MacGregor, đại diện công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho biết, người Việt có thói quen ở nhà dưới đất hơn là ở căn hộ. Thói quen này khiến cho nhà phố luôn được người dân săn tìm. TPHCM đang có hơn 10 triệu dân, thế nhưng số dự án nhà phố, biệt thự tại thành phố lại rất khan hiếm. Trong khi tầng lớp người dân có thu nhập khá đang tăng lên mạnh mẽ. Điều này lý giải cho việc nhà phố luôn có thanh khoản rất tốt trên thị trường.

Cũng theo ông MacGregor, xu hướng rời khỏi trung tâm chật chội cũng là sự lựa chọn phù hợp của người dân. Ông lấy ví dụ, người dân chọn quận 9, Thủ Đức vì có tuyến đường sắt trên cao Metro và Xa lộ Hà Nội thông thoáng, rộng rãi. Người dân chọn quận 7, huyện Nhà Bè vì có khu đô thị Phú Mỹ Hưng hay người dân chọn quận 12, huyện Hóc Môn vì khu vực này cũng có hệ thống giao thông đang phát triển với nhiều cầu vượt, hầm chui được xây dựng kết nối về trung tâm thành phố.

Theo nghiên cứu của Công ty CBRE, sự khan hiếm nguồn cung mới trên thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn tại TPHCM vẫn tiếp tục kéo dài. Trong ba tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản liền thổ của TPHCM chỉ có thêm 296 căn, trong đó có 28 căn biệt thự, 167 căn nhà phố liên kế và 101 căn nhà phố thương mại.

Nguồn cung mới trong quý 1/2019 đã có sự cải thiện so với quý 4/2018 nhưng nếu so sánh với cùng kì năm ngoái thì sự sụt giảm vẫn tiếp tục được duy trì khi số căn chào bán mới chỉ bằng khoảng 42% so với quý 1/2018.

Tốc độ tăng trưởng nguồn cung lũy kế của thị trường tại TPHCM tính đến quý 1/2019 chỉ đạt khoảng 2%, trong khi nguồn cung mới tại TPHCM đang suy giảm vì quỹ đất ngày càng hạn hẹp và do nhiều dự án mới bị ngưng cấp phép.

Trong quý 1/2019, nhà phố thương mại chiếm 34% tổng nguồn cung mới và tiếp tục có giá chào bán rất cao, một dự án tại quận Gò Vấp có giá bán lên tới hơn 245 triệu đồng/m2 đất. Tỉ lệ hấp thụ của các dự án chào bán mới trong quý 1/2019 cũng đạt mức tốt, 84% tổng số căn chào bán trong quý 1/2019 được tiêu thụ thành công

Lượng “hàng tồn” sụt giảm mạnh trong khi nguồn cung mới chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu đã đẩy giá bán thứ cấp tiếp tục tăng. Cụ thể, giá bán biệt thự và nhà phố xây sẵn quý 1/2019 đã tăng 12% và 16% so với quý trước. Thị trường sơ cấp thiếu hụt nguồn cung mới sẽ đưa tỷ lệ bán luôn đạt mức cao, trên 80% và giá mở bán dự đoán sẽ tăng 4% – 5% sau mỗi giai đoạn.

Đại Việt