Văn bản nêu rõ: Theo quy định của pháp luật hiện hành, tình trạng khẩn cấp được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000... Đối với việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mà trực tiếp là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. 

Cụ thể, tại Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Đoàn công tác của Bộ Y tế thực hiện các biện pháp nghiệp vụ với bệnh nhân dương tính với nCov. Ảnh: TTXVN

Như vậy, theo quy định trên, để ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thì cần tiến hành công bố dịch. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp phải được thể hiện dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra được xác định thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh). Theo đó, nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch được thực hiện theo quy định của Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định. Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật vừa nêu, nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý để có thể sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có người mắc bệnh và căn cứ vào tình hình dịch bệnh để thực hiện công bố dịch hoặc trình Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo các nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền được pháp luật quy định.

Để chủ động về trình tự, thủ tục và hồ sơ đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; theo dõi và báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ về tình hình, điều kiện thực tế dịch bệnh. 

Trường hợp đòi hỏi phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình thẩm định và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết này./.

 
Thu Hằng